Tư vấn Online

Phân biệt chóng mặt và choáng váng

Tại các khoa khám tổng quát ban đầu, chóng mặt và choáng váng là hai triệu chứng rất phổ biến mà các bác sĩ được nghe từ bệnh nhân.

chong-mat

Dưới sự mô tả thường mơ hồ và không rõ ràng từ người bệnh, các bác sĩ thường đặt thêm một số câu hỏi để xác định được người bệnh đang chóng mặt hay choáng váng vì đây là hai triệu chứng khác nhau xuất phát từ những bệnh lý khác biệt.

Chóng mặt (vertigo) là sự chuyển động xoay tròn, quay tít mô tả một ảo giác rằng người chóng mặt xoay vòng trong không gian (chóng mặt chủ quan) hoặc không gian xoay vòng quanh bản thân người bệnh (chóng mặt khách quan). Trong khi đó, choáng váng (dizziness) mô tả cảm giác mất thăng bằng, loạng choạng, muốn té xỉu.

 Nắm rõ triệu chứng chính xác của người bệnh, các bác sĩ sẽ có những chẩn đoán bệnh lý ban đầu cho phù hợp. Với trường hợp chóng mặt, triệu chứng này thường bắt nguồn từ rối loạn thần kinh hay hệ thống tiền đình gồm tai, mắt hay tiền đình tủy sống. Chóng mặt còn hay đi kèm với các triệu chứng khác như nhức đầu, buồn nôn, mất thính lực hay rung giật nhãn cầu… Trái lại, nguyên nhân dẫn đến choáng váng xuất phát từ thiếu máu hoặc oxy lên não do hạ huyết áp, bệnh lý tim mạch hay do rối loạn chuyển hóa… Choáng váng thường kèm theo các triệu chứng lảo đảo, bủn rủn, lú lẫn…

Để khỏi hẳn bệnh, người bệnh nên tuân thủ phác đồ điều trị bằng thuốc, phẫu thuật hay các bài tập của bác sĩ. Người nhà của bệnh nhân cũng nên lưu ý một số giải pháp giúp người bệnh phòng ngừa chóang váng, chóng mặt tại nhà.

Khi thấy người thân choáng váng, chóng mặt, người nhà nên đỡ người bệnh lập tức ngồi hay nằm xuống để tránh những thương tổn như té ngã, đồng thời cho bệnh nhân uống nhiều nước, hít thở sâu, giảm cường độ sáng. Nếu choáng váng do lượng đường trong máu giảm, người thân có thể cho người nhà ăn một chút gì đó để lấy lại sức. Người thân cũng lưu ý người bệnh không nên leo thang bộ, tự chạy xe hay vận hành máy móc sẽ rất nguy hiểm. Đồng thời, người nhà cũng tránh để bệnh nhân sử dụng chất kích thích như rượu, bia hoặc đi giày dép quá cao dẫn đến té ngã…

Vì sao lại bị choáng váng, chóng mặt?

Huyết áp thấp

Có rất nhiều nguyên nhân gây huyết áp thấp, dẫn đến chóng mặt. Có thể do đứng lên đột ngột, đặc biệt là ở người lớn tuổi, mất nước, tác dụng phụ của thuốc hoặc thậm chí là do ăn quá nhiều, khiến máu phải chảy dồn về ruột để hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, theo Daily Mail.

Khi bị tình huống này, các triệu chứng bao gồm đầu óc thiếu tập trung, nhìn mờ, ù tai và nhịp tim cao, tiến sĩ Sarah Brewer thuộc tổ chức y tế Healthspan Medical Director (Anh) cho biết.

Mất nước

Đây cũng là nguyên nhân phổ biến làm tụt huyết áp. Mất nước có thể gây choáng váng và chóng mặt. Mất nước thường xảy ra do say nắng, tiêu chảy, nôn mửa, uống quá nhiều rượu hoặc do tập thể dục quá nhiều.

Các triệu chứng của mất nước gồm mệt mỏi, nước tiểu sẫm màu, da khô, miệng khô, nhức đầu, thở dốc, cơ thể mệt mỏi, thậm chí là ngất xỉu.

Để tránh tình trạng này, các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo mỗi người nên uống 2 đến 3 lít nước mỗi ngày. Lượng nước này uống mỗi lẫn vừa phải và phân bổ hợp lý trong ngày.

Tai trong gặp vấn đề

Nếu cảm thấy khó giữ thăng bằng cơ thể hoặc thính giác suy giảm, ù tai thì rất có thể là tai trong đang gặp vấn đề. Ứ dịch trong tai, dị ứng và phản ứng tự miễn là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh ở tai trong, theo Daily Mail.

Bệnh nhân nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm. Bác sĩ có thể kê thuốc và khuyên nên hạn chế ăn muối, uống rượu, hút thuốc lá và những món có nhiều caffeine.

Khi bị chóng mặt do bệnh tai trong, tiến sĩ Brewer khuyến cáo người mắc nên nằm xuống, nhắm mặt lại hoặc ngưng đảo mắt và nhìn vào một vật nào đó. Cách này có thể giúp giảm bớt cảm giác chóng mặt.

Do căng thẳng và lo lắng

Chóng mặt có thể xuất hiện do trải qua tình huống gây căng thẳng hoặc hoảng sợ cực độ. Cảm giác chóng mặt này sẽ kèm theo sự lo lắng, sợ hãi, đổ mồ hôi, buồn nôn, run rẩy và tim đập nhanh.

Đây là một trong những nguyên nhân gây chóng mặt khó giải thích nhất. Khi mắc, mọi người nên tránh thở quá nhanh vì có thể làm triệu cứng thêm trầm trọng. Thay vào đó, hãy thở chậm và sâu, tiến sĩ Brewer cho biết.

Bệnh đau nửa đầu Migraine

Choáng váng, chóng mặt có thể là dấu hiệu của đau nửa đầu Migraine. Bệnh thường đi đôi với các triệu chứng như suy giảm thị giác, buồn nôn, nhức đầu.

Có thể giảm các triệu chứng bệnh bằng các thuốc giảm đau phổ biến như paracetamol, aspirin hoặc ibuprofen. Trong tình huống nặng có thể đến ngay bệnh viện để gặp bác sĩ.

Nguyễn Thị Thu Hương

Cùng Chuyên Mục