Tin tức

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng Dịch vụ Dân số - Cục Dân số (Bộ Y tế) tổ chức “Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia, nhân hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 08/5 cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024”.

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 08/5/2024 với chủ đề “Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh để góp phần nâng cao chất lượng giống nòi Việt”, sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng Dịch vụ Dân số - Cục Dân số (Bộ Y tế) tổ chức “Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia, nhân hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 08/5 cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024”.

Hội nghị do ông Đào Anh Thái, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc làm chủ trì. Tham dự hội nghị còn có ThsBs Nguyễn Tân Sơn, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ Dân số với vai trò Báo cáo viên cùng sự có mặt của đại diện lãnh đạo và viên chức Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc; các Trung tâm Y tế địa bàn huyện, thành phố; các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn và đại diện các hộ gia đình có con đang điều trị bệnh Thalassemia.

Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc Đào Anh Thái phát biểu khai mạc hội nghị.

Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc Đào Anh Thái phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đào Anh Thái, Chi cục trưởng Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Bệnh tan máu bẩm sinh (TMBS) là do thiếu máu huyết tán bẩm sinh di truyền, nguyên nhân bởi sự khiếm khuyết trong tổ hợp huyết sắc tố (Hb). Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể, vì vậy bệnh nhân phải điều trị suốt đời, nếu không được điều trị thường xuyên và đầy đủ thì sẽ có nhiều biến chứng, khiến bệnh nhân chậm phát triển thể trạng, giảm sức học tập, lạo động, tuổi thọ thấp…

Trên thế giới, bệnh tan máu bẩm sinh ảnh hưởng đến khoảng 300 triệu người với khoảng 500.000 ngời mắc bệnh ở thể nặng. Ở nước ta có khoảng trên 13 triệu người mang gen bệnh TMBS, tương đương 13% dân số và có trên 20.000 người bệnh mức độ nặng cần được điều trị cả đời. Mỗi năm có thêm khoảng 8.000 trẻ em sinh ra mắc bệnh Thalassemia, trong đó có khoảng 2.000 trẻ ở mức độ nặng và khoảng 800 trẻ không thể ra đời do phù thai. Người mắc bệnh và mang gen bệnh có ở tất cả các tỉnh/thành phố, các vùng miền dân tộc trên toàn quốc. Trong đó, tỷ lệ mang gen TMBS ở người đồng bào dân tộc miền núi chiếm khá cao, từ 20 – 40% và nguyên nhân chính là do tình trạng kết hôn cận huyết.

Tại tỉnh Vĩnh phúc, khảo sát nhanh trên 9 huyện, thành phố thì hiện nay có 50 trường hợp mắc bệnh và đang được điều trị tại các bệnh viện tỉnh, Trung ương. Trong đó: Vĩnh Tường 3, Vĩnh Yên 1, Bình Xuyên 8, Sông Lô 10, Lập Thạch 3, Phúc Yên 3, Tam Đảo 17, Tam Dương 4, Yên Lạc 1. Với số liệu trên cho thấy, bệnh nhân không chỉ thuộc các xã miền núi, dân tộc… mà cả các huyện đồng bằng, thành phố lớn đều đã có bệnh nhân TMBS. Căn bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu mỗi cá nhân chúng ta cũng như cộng đồng nói chung hiểu rõ về bệnh và thực hiện việc tầm soát, chẩn đoán gen bệnh trước khi đi đến kết hôn”

Tại hội nghị, ThsBs Nguyễn Tân Sơn đã cung cấp các thông tin đầy đủ về bệnh Thalassemia, từ nguyên nhân và dự phòng bệnh cũng như các bước và mốc thời điểm thực hiện việc tầm soát, chẩn đoán gen bệnh trong cả vòng đời của một người. Từ đó, trao đổi về công tác quản lý, theo dõi đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh; đồng thời hướng dẫn về kỹ năng tư vấn, truyền thông về phòng, chống bệnh TMBS tại cộng đồng.

ThsBs Nguyễn Tân Sơn, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ Dân số trình bày tại hội nghị.

ThsBs Nguyễn Tân Sơn, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ Dân số trình bày tại hội nghị.

Cũng tại Hội nghị, ban lãnh đạo Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc đã tặng quà thăm hỏi tới các hộ gia đình có con đang điều trị bệnh TMBS trên địa bàn tỉnh. Hội nghị được nghe những chia sẻ thực tế nhất từ các gia đình đang trực tiếp chăm sóc những em nhỏ mang trong mình căn bệnh TMBS.

Ban lãnh đạo Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh trao quà động viên cho các gia đình có em nhỏ mắc bệnh TMBS.

Ban lãnh đạo Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh trao quà động viên cho các gia đình có em nhỏ mắc bệnh TMBS.

Đại diện gia đình có con mắc TMBS chia sẻ tại hội nghị.

Đại diện gia đình có con mắc TMBS chia sẻ tại hội nghị.

Hội nghị cũng đã đưa ra các câu hỏi, các ý kiến trao đổi, thảo luận về những vấn đề liên quan như: phương pháp truyền thông phòng và chống bệnh TMBS, kết quả xét nghiệm và số liệu tầm soát hàng năm, biện pháp triển khai khâu xét nghiệm, cách thức quản lý người nhiễm bệnh TMBS tại địa bàn… Từ đó, làm rõ được những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, dự phòng và điều trị bệnh Thalassemia tại cộng đồng.

Empty
Empty
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội nghị.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội nghị.

Thông qua Hội nghị, các Lãnh đạo Trung tâm Y tế địa bàn huyện, thành phố; các phòng Dân số, các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn đã lĩnh hội và tiếp thu những thông tin, kiến thức, kinh nghiệm được cung cấp tại Hội nghị một cách hiệu quả. Để từ đó xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện công tác quản lý, theo dõi và tổ chức các hoạt động tư vấn, truyền thông tới người dân biết tới căn bệnh TMBS và tham gia thực hiện tầm soát, chẩn đoán gen bệnh tan huyết bẩm sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên đại bàn.

Thay mặt Hội nghị, Ông Đào Anh Thái, Chi cục trưởng Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc đã và gửi lời cảm ơn sự chia sẻ, truyền tải thông tin từ ThsBs Nguyễn Tân Sơn cũng như ghi nhận các ý kiến trao đổi, thảo luận và tham mưu của các đại biểu tham dự Hội nghị, và cho biết đây sẽ là căn cứ quan trọng để giúp đội ngũ cán bộ Dân số xây dựng và triển khai tốt công tác quản lý, từ đó hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm.

quảng cáo

Cùng Chuyên Mục