Tin tức

Công tác dân số: Cần những biện pháp mới

Dân số Việt Nam đã bắt đầu bước vào thời kỳ chuyển đổi từ “dân số vàng” sang già hoá dân số với tốc độ vào hàng nhanh nhất thế giới. Thời gian chuyển từ dân số trẻ, dân số bình thường sang dân số già ở Việt Nam sẽ chưa tới 20 năm, nếu không có những biện pháp mới, chính sách thật tốt.

dan-so-viet-nam

Đó là thông điệp được nhấn mạnh tại lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12, với chủ đề “Đồng hành cùng sự nghiệp Dân số và Phát triển vì sự phồn vinh của đất nước" do Bộ Y tế tổ chức ngày 10/12, tại Hà Nội.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, công tác dân số hiện nay không chỉ đơn giản là kế hoạch hoá gia đình, bảo đảm sức khoẻ bà mẹ, trẻ em hay mọi người dân mà vấn đề dân số và phát triển đã bao trùm hơn rất nhiều. Đây không còn là chức năng của riêng Bộ Y tế, mà là công việc của hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và từng người dân.

“Cần làm sao để mọi người Việt Nam khi sinh ra đều được chăm sóc tốt nhất trong khả năng có thể, bình đẳng và có cơ hội tương lai như nhau”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ phát động Tháng hành động Quốc gia về Dân sốNhững cải thiện cơ bản

Những năm qua, chất lượng dân số Việt Nam được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình của người dân tăng nhanh, đạt 73,5 tuổi, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Số năm sống trung bình sau khi đạt 60 tuổi của người Việt Nam đã tương đương nhiều nước châu Âu.

Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tỷ lệ suy dinh dưỡng và tỷ suất tử vong trẻ em đã giảm 2/3; tỷ số tử vong mẹ giảm 3/4 so với năm 1990.

Mạng lưới tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh đã từng bước được triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố. Đến nay, 25% bà mẹ mang thai và 35% trẻ sơ sinh được tầm soát, chẩn đoán, can thiệp và điều trị sớm một số bệnh, tật.

Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh, đưa nước ta bước vào thời kỳ “dân số vàng” từ năm 2007 với dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% dân số.

Cần những biện pháp mới, chính sách thật tốt

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân số cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn. Từ việc chỉ tập trung giải quyết vấn đề kế hoạch hóa gia đình để ổn định quy mô dân số, đến nay công tác dân số phải đẩy mạnh việc giải quyết toàn diện các vấn đề cả về quy mô, cơ cấu, phân bố.

Mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, miền, tỉnh, thành phố, thậm chí có những nơi mức sinh đã xuống thấp như TPHCM, các tỉnh vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên lại có mức sinh rất cao. Mất cân bằng giới tính khi sinh đã ở mức nghiêm trọng.

Không chỉ ở quy mô, tỷ lệ sinh, mà dân số Việt Nam đã bắt đầu bước vào thời kỳ chuyển đổi từ “dân số vàng” sang già hoá dân số với tốc độ vào hàng nhanh nhất thế giới. Nếu thời gian chuyển từ dân số trẻ, dân số bình thường sang dân số già ở các nước châu Âu kéo dài khoảng 70-80 năm thì ở Việt Nam sẽ chưa tới 20 năm, nếu không có những biện pháp mới, chính sách thật tốt. Điều đó dẫn đến nguy cơ Việt Nam trở thành quốc gia dân số già, giảm đi, không duy trì được mức sinh thay thế như một số nước đang đối mặt.

Trong khi đó, chúng ta chưa có nhiều chính sách tác động đến các lĩnh vực khác như kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số, tận dụng lợi thế cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số. Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới...

Chất lượng dân số không chỉ nằm ở chăm sóc sức khoẻ y tế, thể chất mà người dân còn phải khoẻ mạnh về tinh thần ở cả người cao tuổi lẫn người trẻ, trẻ em. “Điều đó đòi hỏi phải thay đổi cung cách quản lý, vận động trong công tác dân số. Nhưng đến giờ phút này, nhận thức của các cấp chính quyền, cộng đồng, xã hội vẫn chưa đầy đủ”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận.

Phó Thủ tướng dẫn chứng: Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới đã ban hành được 2 năm nhưng vẫn chưa có một cơ cấu, tổ chức cần thiết để tất cả các bộ ngành phải vào cuộc, mà chỉ “gần như khoán gọn cho Bộ Y tế, Tổng cục Dân số”, và “trong Tổng cục Dân số thì mới chỉ có các công việc liên quan đến chuyên môn của ngành y tế”.

Đề nghị các cấp, ngành, đoàn thể xã hội tham gia mạnh mẽ hơn nữa bằng những hành động, nguồn lực cụ thể, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý phải tăng cường đào tạo, tập huấn, phát triển đội ngũ cộng tác viên dân số theo hướng đổi mới, không giới hạn ở công tác kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản, để trở thành lực lượng nòng cốt trong các lĩnh vực liên quan đến dân số.

Cùng Chuyên Mục