Tin tức

Hàn Quốc: Tăng trưởng dân số thấp kỷ lục

Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc cho biết tính đến cuối tháng 12/2019, dân số Hàn Quốc là hơn 51,8 triệu người, chỉ tăng 0,05% so với năm 2018.

han-quoc

Bên cạnh đó, tình trạng già hóa dân số cũng ngày càng gia tăng. Số người trên 65 tuổi tại Hàn Quốc năm 2019 đã tăng lên mức kỷ lục, lần đầu tiên vượt mốc 8 triệu người.

Hàn Quốc đang đau đầu đối phó với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học. Chính phủ nước này đã triển khai nhiều chính sách, từ tăng trợ cấp, kéo dài thời gian nghỉ đẻ tới mở các khóa dạy hẹn hò nhưng vẫn không thể thúc đẩy được người dân kết hôn và sinh thêm con.

Theo dữ liệu mới nhất từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Hàn Quốc vốn dĩ đã là nước có tỷ lệ sinh thấp nhất trong khối này. Vào năm 2017, số con bình quân của mỗi phụ nữ Hàn Quốc trong độ tuổi sinh nở là 1,05, thấp hơn nhiều so với mức 1,43 ở Nhật Bản, 1,86 ở Pháp và 3,11 ở Israel.

Số trẻ em sinh ra ở Hàn Quốc giảm 7,9% trong 9 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 8,7% trong 2018 và giảm 11,9% trong 2017.

Thủ đô Seoul cũng chính là nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất ở Hàn Quốc. Trong quý 3, bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh nở ở Seoul chỉ có 0,69 người con. Ở Sejong, một thành phố có nhiều cơ quan Chính phủ đặt văn phòng, tỷ lệ sinh cao nhất toàn quốc, đạt 1,34 người con tính trên mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh nở.

Hàn Quốc hiện là một trong những quốc gia có tốc độ lão hóa dân số nhanh nhất thế giới. Để đảo ngược xu hướng này, Chính phủ Hàn Quốc mỗi năm chi hàng tỷ USD cho các chính sách khuyến khích sinh đẻ như hỗ trợ tài chính cho phụ nữ nghỉ việc để chăm sóc con nhỏ, miễn học phí nhà trẻ và mẫu giáo, đào tạo giáo viên mầm non…

Tuy nhiên, những nỗ lực này hầu như chưa mang lại thành công trong việc cải thiện tỷ lệ sinh. Các cuộc khảo sát cho thấy có nhiều nhân tố khiến người Hàn Quốc không muốn sinh con, như giá nhà tăng cao, việc làm không ổn định…

Đằng sau thực trạng giảm tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc

Trong thập kỷ qua, chính phủ Hàn Quốc đã dành 130 nghìn tỷ won tương đương 116 tỷ USD để ngăn tình trạng suy giảm dân số, tăng tỷ lệ sinh, thế nhưng dường như biện pháp này không có nhiều kết quả khả quan. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Cô Lee Jihye, giáo viên một cơ sở giữ trẻ, Hàn Quốc cho biết: "Tôi phải đánh thức các con dậy muộn nhất là 7h30 sáng. Có nghĩa là tôi phải thức dậy trước 7h để chuẩn bị đồ ăn nhẹ, quần áo cho chúng"

Sự tất bật này bắt đầu khi cô Lee Jihye tìm được việc làm tại một cơ sở trông giữ trẻ - nơi cô được phép đưa những đứa con của mình đi làm cùng.

Từng học ngành giáo dục trẻ em - yếu tố thuận lợi trong việc nuôi dạy và chăm sóc con cái - nhưng kể từ khi đứa con thứ 2 chào đời người mẹ này cảm thấy quá tải.

Cô Lee Jihye cho biết: "Tôi đã từng kỳ vọng rằng tôi có thể chăm sóc tốt cho những đứa con của mình. Nhưng thực tế thì chứng minh điều ngược lại. Tôi phải đến chỗ làm lúc 8h30 sáng, sau đó 6h, 6h30 tối. Tôi và bọn trẻ trở về nhà. Đầu tiên là tắm cho chúng, rồi nấu bữa tối. Tôi chơi với chúng, trò chuyện và đọc sách cho chúng lúc 9h tối. Sau khi những đứa trẻ đã ngủ, tôi bắt đầu tắm rửa, rửa bát, giặt giũ và dọn dẹp nhà cửa. Tôi thường đi ngủ lúc nửa đêm, có khi 1h sáng."

Những áp lực càng đè nặng, khi chồng cô Lee Jihye - một công chức nhà nước không san sẻ được gì nhiều trong công việc nội trợ hàng ngày.

Cô Lee Jihye chia sẻ: "Chồng tôi đi làm sớm và trở về lúc những đứa trẻ đã ngủ say. Khi tôi hỏi chồng tôi: "em sẽ tiếp tục như thế này được bao lâu? Thì anh ấy trả lời: "Mọi người đều sống như thế này mà". Tôi tự hỏi, tại sao chúng tôi không thể cùng nhau tạo ra một môi trường nơi tôi có thể dành thời gian cho cả con cái và công việc."

Mong muốn là một chuyện, còn thực tế, tại Hàn Quốc, các doanh nghiệp không tạo nhiều cơ hội việc làm cho phụ nữ, đặc biệt là những người đã có gia đình. Các giá trị gia trưởng vẫn ăn sâu vào xã hội quốc gia này, với quan điểm, người đàn ông mới là lao động trụ cột, còn phụ nữ chỉ dành cho những căn bếp.

Giáo sư Lee Samsik, Khoa Nghiên cứu chính sách, Đại học Hanyang, Hàn Quốc cho biết: "Vấn đề bất bình đẳng giới tại Hàn Quốc đặc biệt rõ nét trên thị trường lao động. Bởi khoảng cách tiền lương là rất lớn ngay cả ở những gia đình có thu nhập kép, người đàn ông vẫn thường làm việc như nguồn thu nhập chính".

Thực trạng sợ sinh con tại Hàn Quốc đang đáng báo độngAnh Choi Wonjin, Nhà hoạt động xã hội, nhà nghiên cứu thuộc tổ chức Womenlink cho biết: "Các công ty Hàn Quốc thường tránh thuê phụ nữ theo dạng hợp đồng dài hạn. Ngay cả khi họ có chuyên môn, họ vẫn có ít cơ hội hơn nam giới. Phụ nữ được xem là người mà một ngày nào đó sẽ kết hôn và sẽ nghỉ việc. Quan điểm này tạo ra một văn hóa doanh nghiệp tập trung vào nam giới, với thời gian làm việc thường xuyên, liên tục. Phụ nữ không thể vừa chăm sóc con cái, vừa làm thêm giờ hay tham gia các bữa tiệc sau giờ làm việc".

Điều này đẩy những người phụ nữ Hàn Quốc trước 2 lựa chọn, một là nghỉ việc để chăm sóc gia đình, hoặc sẽ không bao giờ kết hôn. Và với một người đã có 2 con nhỏ như cô Lee Jihye, có lẽ lựa chọn đầu tiên được xem là khả dĩ.

Cô Lee Jihye chia sẻ: "Công việc hiện tại của tôi rất tốt cho sự nghiệp tương lai. Nhưng 2 năm nữa, có lẽ tôi sẽ phải nghỉ việc. Con lớn của tôi sẽ vào tiểu học và không ai kèm cặp con bé. Sẽ hợp lý hơn khi tôi là người nghỉ ngơi. Trừ khi bạn là công chức và có thể tự do nghỉ thai sản, còn vừa làm việc, vừa nuôi dạy những đứa trẻ là một điều vô cùng khó khăn."

Thế nhưng, lựa chọn thứ 2 lại đang được ưa chuộng hơn cả tại Hàn Quốc. Giờ đây, gần 3/4 phụ nữ Hàn Quốc ở độ tuổi 20-40 coi hôn nhân là không cần thiết. Điều này lý giải vì sao, tỷ lệ sinh tại quốc gia Đông Bắc Á càng ngày càng đi xuống.

Giáo sư Lee Samsik, Khoa Nghiên cứu chính sách, Đại học Hanyang, Hàn Quốc cho biết: "Hàn Quốc đang ở giai đoạn tăng trưởng kinh tế vượt bậc, song các vấn đề về cơ cấu như an sinh xã hội hay bình đẳng giới lại không theo kịp tốc độ phát triển kinh tế. Có một sự chênh lệch thực sự giữa mong muốn của con người về chất lượng cuộc sống tốt hơn và một cấu trúc xã hội duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, không thể tránh khỏi việc, ít người mong muốn có con. Đó là cách họ thỏa mãn mong muốn về một cuộc sống đúng nghĩa".

Cô Lee Jihye cho biết: "Ngay cả tôi cũng thấy rằng cuộc sống của mình quá khó khăn. Tôi đang làm việc, nhưng tôi tự hỏi liệu đây có thực sự là cuộc sống mà tôi nên sống. Khi trò chuyện với những người bạn của tôi chưa lập gia đình, tôi khuyên họ đừng bao giờ kết hôn. Nếu điều kiện của chúng ta không thay đổi, không ai có thể đổ lỗi cho phụ nữ vì họ không muốn sinh con".

Sự bất bình đẳng trong xã hội, hay nhu cầu thỏa mãn chất lượng cuộc sống tốt hơn chỉ là 2 trong nhiều yếu tố khiến Hàn Quốc đối mặt với tình trạng suy giảm tỷ lệ sinh. Và Hàn Quốc cũng chỉ là một minh chứng rõ nét cho những bất cập trong chính sách dân số mà nhiều quốc gia trên thế giới đang phải căng đầu giải quyết. 

Ngô Thị Hồng Duyên

Cùng Chuyên Mục