Tin tức

Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng già hóa dân số

Trong giai đoạn mới, toàn ngành DS-KHHGĐ sẽ tập trung nâng cao nhận thức, tranh thủ sự đồng thuận và ủng hộ của toàn xã hội trong việc giải quyết các vấn đề duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên;...

dan-so-vang

Cán bộ dân số huyện Sông Hinh tuyên truyền công tác dân số cho người dân. 

Tập trung duy trì vững chắc mức sinh thay thế

Sau 58 năm, với sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương xuống cơ sở; sự phối hợp của các bộ, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức quốc tế cùng sự nỗ lực của cả hệ thống làm công tác dân số (CTDS), CTDS-KHHGĐ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế.

Hiện nay, dân số nước ta là 96,2 triệu người. Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con từ năm 2006, sớm 10 năm so với mục tiêu đề ra và tiếp tục duy trì cho đến nay. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007; chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ trung bình đạt 73,6 tuổi, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.

Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng- an ninh. Nhận thức về DS-KHHGĐ của các cấp, ngành và toàn dân có bước đột phá; mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã trở thành chuẩn mực, lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội; dịch vụ DS-KHHGĐ được mở rộng.

Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở hiện tại và tương lai, CTDS đặt trong mối quan hệ với kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh với nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, mức sinh giữa các vùng có chênh lệch khá lớn (TP Hồ Chí Minh 1,39 con, Hà Tĩnh 2,83 con), tạo nguy cơ tăng khoảng cách phát triển giữa các vùng và khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân cư. Xu thế mức sinh giảm xuống quá thấp đã xuất hiện ở nhiều khu vực. Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng (111,5 bé trai/100 bé gái). Lợi thế dân số vàng chưa được tận dụng tốt. Già hóa dân số diễn ra với tốc độ mau lẹ, song các giải pháp thích ứng chưa được triển khai. Chất lượng dân số còn nhiều hạn chế. Quản lý dân cư phân tán, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội hiện đại.

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, ngày 22/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1679/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát là: duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Tăng cường CTDS trong tình hình mới

Thời gian qua, công tác truyền thông suy giảm cả về cường độ và hiệu quả chưa đồng đều giữa các khu vực, đối tượng. Nội dung mới chỉ tập trung vào KHHGĐ chưa chú ý nhiều đến dân số và phát triển. Cơ cấu và tổ chức bộ máy của ngành Dân số liên tục biến động từ Trung ương đến địa phương. Đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số thường xuyên thay đổi, kiến thức thiếu và yếu. Tài liệu và tập huấn chưa chú trọng; chưa chú trọng đầu tư ngân sách cho truyền thông...

Để tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về các nội dung mới của Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; đồng thời thực hiện chỉ đạo của PhóThủ tướng Vũ Đức Đam tại Lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số: “CTDS của chúng ta phải được đổi mới rất căn bản”, Tổng cục DS-KHHGĐ tập trung hướng dẫn truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để góp phần thực hiện tốt các mục tiêu ngành Dân số trong thời gian tới.

Tập trung thực hiện có hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp trong hệ thống dân số các cấp; phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm CTDS, y tế cơ sở. Mở rộng các hình thức giáo dục, truyền thông thân thiện, phù hợp với vị thành niên, thanh niên; đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng.

Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông; huy động sự tham gia, đóng góp phương tiện, nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cho công tác truyền thông về dân số và phát triển. Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ truyền thông trong hệ thống dân số và cán bộ truyền thông, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên các cấp, ngành.

Vũ Ngọc Chương

Cùng Chuyên Mục